TỔ CHỨC, VẬN ĐỘNG NHÂN DÂN THỰC HIỆN TIÊU CHÍ VĂN HÓA TRONG PHONG TRÀO XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở NGHỆ AN
02/01/2020 01:49
Hiện nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đang phát triển rộng khắp trên tất cả các miền quê ở nông thôn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Để được công nhận nông thôn mới, các xã đang không ngừng phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, phong trào xây dựng nông thôn mới đang phát triển rộng khắp trên tất cả các miền quê ở nông thôn Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Để được công nhận nông thôn mới, các xã đang không ngừng phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những tiêu chí khó khăn nhất là tiêu chí văn hóa. Vì sao lại khó? Theo chúng tôi, nhận thức về văn hóa và tiêu chí văn hóa của cán bộ, người dân nhiều nơi còn đơn giản, phiến diện dẫn đến cách làm không đúng. Trên thực tế có những xã đời sống vật chất được nâng lên nhưng đời sống văn hóa không nâng lên tương xứng, thậm chí bản sắc văn hóa mai một, nhạt nhòa. Trong một bài trả lời phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt về thực trạng nông thôn mới Việt Nam:
- Pv: “Ông có nhiều trải nghiệm về nông thôn, ông nhìn thấy tiềm năng gì ở nông thôn và kỳ vọng cũng như những trăn trở gì?”.
- Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời: “Nông thôn vĩnh viễn là cái nôi để duy trì bản chất của nền văn hóa Việt Nam và bản sắc của dân tộc chúng ta. Không có nông thôn thì chúng ta sẽ chỉ có một cái chợ được gọi là Việt Nam và chúng ta giữ gìn và xây dựng bản sắc của cái chợ Việt Nam chứ không phải xây dựng dân tộc Việt Nam. Tôi không biết các nhà lãnh đạo nghĩ thế nào, nhưng tôi nghĩ nông thôn là vấn đề chính trị quan trọng nhất. Nếu chúng ta không xây dựng tốt nông thôn, không xử lý tốt quan hệ giữa nông thôn và đô thị, chúng ta không xử lý vấn đề nông nghiệp và nông dân một cách cẩn thận thì chúng ta sẽ nhổ rễ dân tộc chúng ta ra khỏi nền văn hóa của nó, biến dân tộc mình thành một cái chợ và bán tất. Trong đó việc bán đầu tiên là bán con người”.
Trong chúng ta, nhiều người sinh ra, lớn lên ở nông thôn, trải nghiệm sinh hoạt nông thôn, những buổi lao động của người nông dân trên đồng ruộng. Nông thôn ngày nay có nhiều đổi mới, đời sống nông dân nhiều miền quê được cải thiện, không còn cảnh thiếu đói giáp hạt như ngày xưa, nhiều nhà cửa được xây dựng, đường sá giao thông bê tông hóa, bờ rào xây bằng gạch, nhiều nhà mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt xe máy, ti vi, tủ lạnh... Trong những năm gần đây, trên tất cả các làng xã nông thôn đang triển khai rầm rộ phong trào xây dựng nông thôn mới: quy hoạch, dồn điền đổi thửa, mở rộng các trục đường liên thôn, đường làng, bê tông hóa tất cả các con đường, bê tông hóa kênh mương... Những đổi thay thật lớn lao nhưng đồng thời cũng gieo vào trong chúng ta những suy nghĩ và trăn trở về tương lai của nông thôn trong không gian văn hóa nông thôn Việt Nam nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi. Nhưng cùng với sự thay đổi đó không gian văn hóa ở nông thôn đang bị phá vỡ. Còn đâu lũy tre, ao làng, những con đường rợp bóng cây xanh, dậu cúc tần, những cây xanh nhiều năm tuổi... Sinh hoạt của người nông dân cũng nhanh hơn, vội vàng hơn, còn đâu “những trưa hè gọi nhau râm ran chè xanh”, những thiết chế văn hóa đình, đền, chùa, cây đa, giếng làng nay không còn nữa hoặc còn thì cũng trở nên hoang phế. Các buổi hát tuồng, hát ví dặm như ngày xưa vắng bóng. Thay vào đó là nhà văn hóa xóm (thôn) với thiết kế đơn điệu, sân khấu hóa văn nghệ quần chúng với nhũng tiết mục chuyên nghiệp, hiện đại và khô cứng. Không gian văn hóa của làng không còn là nông thôn truyền thống nữa nhưng cũng không phải là đô thị hiện đại văn minh.
Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí văn hóa ở vị trí thứ 16. “Xã có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT-DL”. Tiêu chuẩn làng văn hóa lại được quy định ở Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”.
Tuy nhiên, văn hóa là khái niệm rất rộng, được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Để khẳng định đước cái “Tôi”, “Làng tôi” thì cần phải có bản sắc văn hóa riêng biệt. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nếu nhận thức không rõ điều này thì chúng ta sẽ biến hàng vạn điểm dân cư nông thôn giống nhau. Vậy bản sắc văn hóa là gì ? Làm thế nào để xây dựng nông thôn mới giàu bản sắc? Đây là những vấn đề đặt ra trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Theo chúng tôi, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương tỉnh Nghệ An, đặc biệt là chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở cần nhận thức thống nhất những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo về giữ gìn bản sắc văn hóa trong phong trào xây dựng nông thôn mới như sau:
1. Bảo tồn và phát huy được không gian văn hóa vật thể, nuôi dưỡng văn hóa phi vật thể trong không gian văn hóa vật thể. Để làm được điều này không đơn giản. Phong trào xây dựng nông thôn mới hàng ngày đang tác động không ngừng đến không gian văn hóa của những sinh hoạt văn hóa truyền thống. Chúng ta sẽ không thể giữ mãi nông thôn cũ để có không gian như ngày xưa, nhưng nếu như làm mới mà lại phá tất cả cái cũ thì sẽ đánh mất bản sắc văn hóa ngay chính trên quê hương mình. Theo chúng tôi, trong không gian văn hóa cái mà chúng ta cần phải giữ đầu tiên là: môi trường cảnh quan. Về nông thôn chúng ta thích thú bởi có nhiều cây xanh, có lũy tre, có ao hồ, những con đường làng rợp bóng mát, có những con đường lớn, nhưng cũng có những con đường nhỏ quanh co, có đường, kênh mương bê tông hóa, nhưng cũng có những con đường, kênh mương nội đồng bằng đất; những ngôi nhà lợp ngói, nhà tầng nhưng cũng có những mái nhà gianh, có bờ rào, cổng nhà bằng gạch kiên cố nhưng cũng có những cổng nhà đơn giản với những hàng cây xanh mát. Chúng ta không nhất thiết phải phá hết rồi làm lại mà là chỉnh trang lại nông thôn.
2. Xây dựng nông thôn phát triển bền vững, không chạy đua thành tích để có những báo cáo không đúng với sự thực hoặc cố gắng bằng mọi cách để thực hiện được 19 tiêu chí theo Quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phải đạt các tiêu chí một cách vững chắc, phải tính toán hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, công năng sử dụng của từng dự án. Hiện nay có một số địa phương đồng loạt làm đường giao thông, chặt bỏ nhiều cây xanh để mở rộng đường, xây dựng nhiều nhà văn hóa, nhiều cổng làng na ná giống nhau một cách đơn điệu, xây dựng chợ nông thôn với dự án hàng tỷ đồng, nhưng xây xong không có người vào buôn bán. Tất cả những biểu hiện đó là căn bệnh chạy theo thành tích. Đọc báo cáo thì thấy nông thôn mới thật hoành tráng nhưng thực tế thì không gian văn hóa bị phá vỡ, về nông thôn không thấy một hình ảnh nông thôn thuần túy mà thay vào đó là một nông thôn mới không ra mới nhưng cũ thì đã không còn.
Để thực hiện tốt tiêu chí về văn hóa, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là: Nâng cao nhận thức về giữ gìn bản sắc văn hóa xứ Nghệ trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An, thiết kế chương trình tập huấn về xây dựng nông thôn giàu bản sắc văn hóa cho các đối tượng tham gia là cán bộ chuyên trách cấp xã, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở xã và thôn, xóm.
Hai là: Xây dựng nông thôn mới nên đa dạng hóa các thiết chế văn hóa ở nông thôn. Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, ngoài những thiết chế văn hóa mới như: Nhà văn hóa xã, thôn; trung tâm học tập cộng đồng, đài phát thanh xã, thôn; thư viện, sân bóng... ở những địa phương có bề dày truyền thống có thể phục hồi lại những thiết chế văn hóa của các bậc tiền nhân như: đình, đền, chùa, cây đa, giếng làng..., trồng các cây xanh truyền thống của làng quê ở những vị trí này.
Ba là: Thực hiện xã hội hóa các phong trào văn nghệ, thể thao; phục hồi các lễ hội dân gian truyền thống. Đa dạng về hình thức tổ chức hoạt động và đảm bảo thiết thực về nội dung. Phải khơi dậy mọi tiềm năng, kích thích nhu cầu chính đáng, tạo mọi điều kiện để đông đảo quần chúng tham gia sinh hoạt văn hóa. Đưa các làn điệu dân ca, ví dặm vào lễ hội. Điều tra, đánh giá tình hình thực trạng, nắm vững nhu cầu, nguyện vọng của người dân căn cứ vào điều kiện thực tế để từ đó có biện pháp giải quyết đúng đắn và tìm cách đáp ứng với tinh thần chủ động, tích cực.
Bốn là: Tổ chức hoạt động truyền thông về xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tất cả các hộ dân trong thôn, xóm, bản. Tìm nhiều cách xây dựng phong trào, đi từ điểm đến diện rộng, có quy mô từ nhỏ đến lớn, từ làng bản đến xã. Phát huy vai trò của thôn, xóm, bản; chủ động liên kết, phối hợp các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế và xã hội, các đơn vị cơ sở trên địa bàn như: quân đội, công an, đồn biên phòng, công - nông lâm truờng, xí nghiệp, cơ quan, bệnh viện, trường học…, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc để huy động lực lượng, tài năng, khai thác cơ sở vật chất và kinh phí cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong xây dựng nông thôn mới.
Năm là: Xây dựng kế hoạch chương trình hành động nông thôn mới ngắn hạn, dài hạn và dự trù ngân sách tổ chức thực hiện. Vận động tổ chức các hội quần chúng, xây dựng các quỹ hoạt động văn hóa thông tin. Tham gia làm kinh tế để có kinh phí hoạt động, “thực hiện kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế”. Có chính sách đầu tư hợp lý, tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo trang thiết bị và kinh phí cần thiết cho hoạt động của các thiết chế văn hóa thông tin cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm văn hóa, chính sách đối với những nghệ nhân văn hóa dân gian.
Sáu là: Xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn phải thường xuyên, kiên trì. Cán bộ xã, thôn, bản làm gương, vận động, tổ chức cho nhân dân trong sinh hoạt giữ được nét đẹp “thuần phong mỹ tục” của quê hương xứ Nghệ, đồng thời bài trừ những hủ tục lạc hậu, những biểu hiện phi văn hóa: lai căng, bệnh hình thức, lãng phí trong đời sống sinh hoạt ở nông thôn.
Kết thúc bài viết, chúng tôi mong muốn làm sao chúng ta xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân được nâng lên nhưng đồng thời bản sắc văn hóa xứ Nghệ không bị mất đi mà ngày càng đậm đà, hấp dẫn. Bản sắc văn hóa đó là một chỉnh thể thống nhất giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của một xứ Nghệ giàu bản sắc và hiện đại. Phải làm cho nông thôn đẹp để nông thôn tự tin, để nông thôn biết giữ lại những thứ nó có. “Bản chất của sự phát triển văn hóa là phát triển năng lực chọn lọc”./.
ThS. Thái Xuân Sang
Khoa Nhà nước và Pháp luật